Nắng nóng thiêu đốt, chủ xe giải khát mỗi ngày bán 1.200 chai nước sâm
Sáng, tối gì cũng đông!
“Mùa nóng, nước sâm bán rất chạy nên gia đình tôi phải tranh thủ. Ba mẹ tôi dậy từ sáng sớm để đi lấy nguyên liệu, thuê 1 người phụ nấu, huy động thêm các thành viên trong gia đình thì mới chuẩn bị kịp. Buổi tối cũng sẽ có thêm 2 người phụ việc bán nước”, chị Bội Ân (29 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) nói.
Chị Ân cho hay gia đình chị bán nước sâm tại ngã tư Hà Tôn Quyền – Nguyễn Chí Thanh (quận 5) từ năm 1996. Nghề được truyền từ đời bà cố. Những tháng mùa khô nóng bức, hàng nước sâm phải hoạt động hết công suất mới đủ đáp ứng nhu cầu của khách.
Thông thường, xe nước sâm của gia đình chị có thể bán 1.000 chai/ngày. Mùa nắng nóng thì số lượng tăng lên mức 1.200 chai/ngày.
Được biết, xe nước sâm có 6 loại chính gồm rong biển, bông cúc, mía lau 24 vị, nước đắng, hạ thảo khô, được bán với giá dao động 6.000-25.000 đồng, tùy kích cỡ chai. Nguồn khách không chỉ đến từ người mua lẻ, xe nước sâm của gia đình chị Ân còn cung cấp cho nhiều mối quen là nhà hàng, quán nhậu quanh đó.
Ban ngày, gia đình chị phải tranh thủ nấu nước sâm cho các đơn hàng số lượng lớn. Buổi tối, xe nước sâm chủ yếu bán cho khách vãng lai, thường mở từ 19h, chưa đầy 3 giờ là hết sạch hàng.
“Khách hàng ra vào liên tục, ba mẹ tôi dù đã đong sẵn nước sâm vào chai tại nhà mà vẫn làm không xuể. Chạy việc quay cuồng, mệt nhưng vui lắm, vì doanh thu quán nước trông chờ nhiều vào những ngày này”, chị Ân nói.
Chị Thảo (24 tuổi), chủ hàng nước trên đường Hoàng Diệu (quận 4) cho hay những ngày nắng nóng là lúc tiệm bận rộn nhấtFrom: nhà cái casino online. Hoạt động từ 4h đến 14h mỗi ngày, hàng nước của chị thường đông khách vào khoảng 10-12h.
Khách hàng thường là nhân viên văn phòng, người mưu sinh ngoài nắng nóng. Tại đây, những món nước có giá từ 12.000 đến 15.000 đồng/ly, trong đó trà tắc là món được yêu thích nhất vì có tác dụng giải nhiệt.
“Tôi và mẹ thường cố gắng chuẩn bị trước 30 ly nước tại nhà, đến nơi chỉ cần đổ đá vào là đưa được cho khách. Buổi trưa, nắng nóng đỉnh điểm, khách hàng thường đến liên tục, nếu không chuẩn bị trước thì sẽ không kịp”, chị Thảo nói.
Sống nhờ… nắng nóng
Dọc trên các tuyến đường như Lê Hồng Phong (quận 5), Lý Thái Tổ (quận 10), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức),… nhiều hàng nước dừa, trái cây cũng tấp nập người mua.
14h, chị Lý (quê tại Bắc Giang), chủ xe nước dừa trên đường Nguyễn Hữu Thọ, vội vã dọn dẹp để trở về nhà sau một ngày mưu sinh. Chị Lý cho hay, nhờ những ngày nắng nóng, chị mới bán hết dừa và sớm được về phòng trọ với con.
“Ngày mưa, tôi chỉ bán được 20-30 trái thôi. Ngày bình thường thì 40-50 trái, còn mùa nắng nóng thì bán khoảng 70 trái. Mỗi trái dừa tôi bán giá 10.000 đồng, chỉ lãi đôi chút thôi. Hàng bán chạy nhưng chủ yếu lấy công làm lãi, vì mùa này dừa không có nhiều, giá mua từ thương lái lại cao”, chị Lý giải thích.
Mưu sinh ngoài trời nắng nóng cũng là thách thức, đôi khi mệt đến muốn xỉu. Nhưng đổi lại, trời oi bức khiến nhu cầu giải khát của người dân tăng cao, giúp chị tranh thủ kiếm tiền lo cho 2 con nhỏ.
“Một mình vào thành phố đã lâu, tôi chỉ mới mở bán nước dừa vài tháng nay. May mắn là được nhiều người ủng hộ, tôi có tiền lo cho con, còn vất vả cách mấy cũng chịu được”, chị Lý cười.
Theo đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ ngày 20/3, nắng nóng xuất hiện diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt ở miền Đông và cục bộ ở miền Tây. Đợt nắng nóng cao điểm mùa khô này, nhiệt độ cao nhất dao động 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C, cao nhất là khu vực TP Biên Hòa (Đồng Nai) với 37,8 độ C.
Trong nhiều ngày, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở khu vực miền Đông và vài nơi ở Miền Tây nhưng cường độ nắng nóng dần giảm nhẹ. Nhiệt độ cao nhất từ 22/3 dao động 35-37 độ C. Thời gian nắng nóng cao điểm trong ngày tập trung từ 12h đến 16h.
Từ ngày 24/3 nắng nóng diện rộng có xu hướng quay trở lại, miền Đông có nơi nắng nóng gay gắt.